Theo báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp FDI thì tốc độ tăng trưởng doanh thu, tài sản và vốn đầu tư của chủ sở hữu năm 2019 so với năm 2018 thấp hơn so với các năm trước đó nhưng vẫn được xem là ở mức cao so với các nước khác tại Đông Nam Á. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI vẫn duy trì tăng trưởng ổn định.
Song bên cạnh những thành công đạt được, việc sử dụng hiệu quả tài sản, vốn FDI của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Các chỉ tiêu về nộp ngân sách nhà nước, mức sinh lời chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của doanh nghiệp đó. Cụ thể, số doanh nghiệp FDI có lãi mới chỉ chiếm 45%, nhiều doanh nghiệp có số lỗ lớn và diễn ra nhiều năm liên tục.
Như vậy có tới 55%, cụ thể là 12.455 doanh nghiệp FDI báo lỗ trong năm 2019 với số lỗ là 131.455 tỷ đồng. Đây là một thống kê đặt ra rất nhiều nghi vẫn cho các cơ quan thanh tra, thuế quan vì thực tế nhiều doanh nghiệp luôn báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm để được ưu đãi về thuế nhưng vẫn mở rộng sản xuất, doanh thu vẫn tăng đều đặn.
Theo phân tích của Bộ Tài chính, thông qua báo cáo tài chính một số doanh nghiệp lớn trong nhóm ngành "Sản xuất sắt, thép và kim loại khác; Sản xuất, phân phối, kinh doanh điện; Linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy vi tính, thiết bị quang học", cho thấy sự hiệu quả và mức độ đóng góp vào ngân sách nhà nước là khác nhau.
Bên cạnh việc tiếp tục triển khai những chính sách nhằm kêu gọi, hỗ trợ các Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế và các cục thuế địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá.
Việc đẩy mạnh các chính sách thu hút đầu tư, nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới là đi theo quan điểm chỉ đạo của Bộ chính trị theo Nghị quyết số 50 NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá để hoàn thiện, sửa đổi cơ chế phối hợp của các sở, ban, ngành địa phương trong việc cấp phép và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài; Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin đồng bộ, thông suốt về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để các cơ quan trung ương, địa phương có thể truy cập và kết xuất được tất cả các thông tin liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để phục vụ công tác tổng hợp; từ đó giúp công tác đánh giá, giám sát được hiệu quả, kịp thời.
Cùng với đó là triển khai các giải pháp về nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành, sản phẩm; rà soát, thực hiện cơ cấu lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên các địa bàn theo nguyên tắc gắn quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo với quy mô của các doanh nghiệp; xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, trình độ quản lý, kỹ thuật và tay nghề cao.
Thông tin liên hệ:
Vui lòng chia sẻ với chúng tôi một số thông tin của bạn, chúng tôi sẽ liên hệ với bạn khi có yêu cầu